Hiệu quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh
CTTĐT - Trong những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao nhận thức, phổ cập tin học cơ bản, kỹ năng khai thác Internet và các ứng dụng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực Công nghệ thông tin của tỉnh.
Về hạ tầng Công nghệ thông tin: hiện nay 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có mạng LAN và kết nối mạng Internet tốc độ cao ADSL, FTTH, trên 92% số máy tính được kết nối mạng internet. Tỷ lệ máy tính trên cán bộ công chức tại các sở, ban, ngành ước đạt 96%, các huyện, thành phố đạt 88%, tuy nhiên do các hệ thống CNTT tại các cơ quan, đơn vị đã được đầu tư từ lâu do đó các máy tính có cấu hình thấp, cũ và thường xuyên trục trặc chiếm tỷ lệ khá lớn, cụ thể 20% đối với cấp tỉnh và 30% đối với cấp huyện. Đối với UBND các xã, phường, thị trấn cũng đạt trung bình 6-7 máy tính/UBND, đa số các xã thuộc vùng thấp cũng đã được kết nối mạng Internet. Việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng, tỉ lệ máy tính cài đặt phần mềm diệt virus tại các cơ quan, đơn vị đạt 90%, tại UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 65%.
Về Thư điện tử đến nay Yên Bái đã cung cấp cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức của 41 các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 100% CBCC cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có tài khoản thư điện tử, tuy nhiên tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng hòm thư điện tử của tỉnh còn thấp, trung bình mỗi tháng sử dụng 500-600 tài khoản.
Trang tin và Cổng thông tin điện tử phục vụ điều hành: 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND tỉnh có trang thông tin điện tử (38 trang thông tin điện tử thành viên); Cổng Thông tin điện tử đã dần chứng tỏ được vai trò của mình, luôn cung cấp, cập nhật đầy đủ các thông tin, báo cáo, chương trình, kế hoạch, quy hoạch, các thủ tục hành chính công các mức của các cấp, các ngành,...
Phần mềm một cửa điện tử: Đã triển khai tại UBND thành phố Yên Bái mới chỉ đưa vào sử dụng ở lĩnh vực tài nguyên, môi trường và tại bộ phận một cửa của Sở Thông tin và Truyền thông.
Phần mềm quản lý, điều hành tác nghiệp: Đến nay có 31 cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý, điều hành tác nghiệp trong xử lý nhiệm vụ chuyên môn, đạt tỷ lệ 85 % các cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm điều hành tác nghiệp. Tuy nhiên chưa liên thông giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Nguồn nhân lực CNTT: Theo số liệu khảo sát, tới nay tỷ lệ cán bộ, công chức biết sử dụng máy vi tính bình quân cấp tỉnh, cấp huyện là 91.7%, phấn đấu đến hết năm 2015 đạt 100% cán bộ, công chức biết sử dụng máy vi tính phục vụ công tác chuyên môn.
Kết quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh
Về công tác QLNN: Tăng cường quản lý nhà nước về CNTT, triển khai sâu rộng việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước gắn với cải cách hành chính hướng tới Chính phủ điện tử; huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng, tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về CNTT; tổ chức học tập mô hình phát triển và ứng dụng CNTT của một số địa phương để triển khai tại tỉnh.Theo Điều tra, khảo sát, đánh giá về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn có thể thấy rằng đa số các cơ quan, đơn vị đã có những nỗ lực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã quan tâm đến việc tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác chuyên môn và cải cách hành chính . Một số mục tiêu hoàn thành khácao đó là: Ứng dụng CNTT trên môi trường mạng; ứng dụng hệ thống thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại một số cơ quan, đơn vị như sở: Thông tin và Truyền thông; sở Giáo dục và Đào tạo, sở Y tế …, đặc biệt việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại các huyện, thị xã, thành phố cũng được nâng lên rõ rệt như: Thành phố Yên Bái, huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên…
Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là nhận thức về tầm quan trọng trong việc ứng dụng và phát triển CNTT ở một số cấp, ngành, thậm trí ở một số đồng chí Lãnh đạo chủ chốt chưa đầy đủ, chưa kết hợp chặt chẽ quá trình ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. Các cơ quan Nhà nước chưa kiên quyết gắn việc ứng dụng CNTT với xử lý công việc hàng ngày, chưa thực sự chú trọng ứng dụng CNTT để đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Nhất là chưa có một cơ quan cấp đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho cấp lãnh đạo đơn vị; Hạ tầng CNTT&TT trong khối cơ quan Đảng và NN còn nhiều hạn chế, trang thiết bị CNTT đã được đầu tư từ lâu nên đã xuống cấp, hạ tầng mạng LAN chấp và không đồng bộ và không đảm bảo an toàn an ninh thông tin,…
Làm tốt công tác an toàn, an ninh thông tin tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh
Để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu kịp thời, hiệu quả cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai các quy định của pháp luật, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin như: Quy hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh; ban hành quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông; quy chế quản lý, sử dụng Cổng Thông tin điện tử tỉnh; quy định quản lý, sử dụng hệ thống thư điện tử... đồng thời, phối hợp với VNCERT trong việc tiếp nhận và triển khai các hoạt động cảnh báo kịp thời, thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cổng/trang thông tin điện tử và Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, các cơ quan, đơn vị có nguy cơ mất an toàn, khắc phục sự cố. Đã tổ chức được bộ phận đầu mối và mạng lưới ứng cứu khẩn cấp sự cố và chống tấn công mạng trên địa bàn tỉnh; đã xây dựng và triển khai thực hiện quy chế hoạt động phối hợp ứng cứu sự cố và chống tấn công mạng trên địa bàn và tham gia diễn tập ứng cứu sự cố và chống tấn công mạng cấp khu vực do VNCERT tổ chức.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đã triển khai hoàn chỉnh giai đoạn I và giai đoạn II mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái và chuẩn bị đi vào sử dụng. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều tổ chức mô hình mạng phân tách giữa vùng mạng bên trong (mạng LAN) và mạng bên ngoài (kết nối Internet). Chính vì vậy, thời gian qua, hệ thống thông tin mạng của tỉnh tương đối an toàn, không xảy ra những sự cố lớn. Một vài sự cố nhỏ (virut máy tính, tấn công mạng) được phối hợp khắc phục kịp thời ít ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện đó là: Nhận thức của các cơ quan, đơn vị về an toàn, an ninh thông tin còn có mặt hạn chế; Nhiều cơ quan, đơn vị chưa ban hành văn bản chỉ đạo, quy chế, kế hoạch đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo chỉ đạo và quy định của UBND tỉnh; Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đầu tư phần mềm diệt virus có bản quyền, chỉ cài trên một số máy quan trọng, thiếu sự đồng bộ trong hệ thống và chủ yếu là các phần mềm miễn phí không có bản quyền; chưa triển khai các biện pháp phát hiện xâm nhập trái phép, việc tổ chức ghi nhận nhật ký truy nhập, truy xuất thông tin, cập nhật bảo mật hệ thống còn hạn chế; Hiện nay chưa có bộ phận chuyên trách về an toàn an ninh thông tin trong cơ quan chuyên trách công nghệ thông tin của Tỉnh, việc phụ trách an toàn an ninh thông tin chủ yếu do công chức chuyên trách công nghệ thông tin đảm nhiệm. Trình độ năng lực về an toàn, an ninh mạng tuy đã được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo song vẫn còn hạn chế.
Cùng với đó Hạ tầng kỹ thuật hệ thống mạng còn nhiều hạn chế và tiềm ẩn nguy cơ về mặt an toàn, an ninh thông tin. Hệ thống mạng của tỉnh mở với nhiều ngõ ra interrnet nhưng hầu hết không được trang bị hệ thống an ninh và thiết bị tường lửa chuyên nghiệp mà chỉ sử dụng chức năng bảo mật, tường lửa sẵn có của thiết bị kết nối internet; hệ thống sao lưu dữ liệu tập trung còn hạn chế; hệ thống mạng chuyên dùng chưa đưa vào sử dụng và hệ thống ra internet chưa được tách biệt; Việc đầu tư mua sắm trang thiết bị CNTT, quản lý vận hành và bảo trì, sửa chữa chưa được quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn và an ninh (cả phần cứng và phần mềm) là sơ hở cho việc cài cắm các phần mềm gián điệp trong thiết bị, lấy cắp thông tin dữ liệu, các lỗ hổng tồn tại trong các phần mềm...
Để làm tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan, đơn vị quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tiếp tụctuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho mọi đối tượng nhất là người sử dụng, cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo phụ trách về CNTT bằng nhiều hình thứ; Tham mưu UBND tỉnh, Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, bổ sung các quy định về an toàn thông tin, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chuyên môn về an toàn thông tin; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT, trong đó chú trọng việc phối hợp giữa các cơ quan , đơn vị nhằm đưa việc đầu tư, mua sắm cho ứng dụng CNTT tuân thủ pháp luật tránh đầu tư dàn trải, lãng phí
Theo nguồn Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái
CÁC TIN LIÊN QUAN:
-
Ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) năm 2025
-
230 cán bộ được tập huấn liên thông văn bản điện tử trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành
-
Thành lập Ban điều phối ứng cứu an toàn mạng quốc gia vào tháng 7/2017
-
Văn phòng Chính phủ chủ trì vận hành Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ
-
Bộ TT&TT đẩy mạnh ứng dụng CNTT và cung cấp dịch vụ công trực tuyến